[Review] Captain American 3: Civil War

5/06/2016 12:22:00 SA

Chú ý: Phần review sau đây có thế tiết lộ nội dung bộ phim!



Directors: Anthony Russo, Joe Russo

Stars: Chris Evans, Robert Downey Jr., Scarlett Johansson, Sebastian Stan,...


(Chú ý: phim có 2 đoạn After Credit, vui lòng ngồi yên tại chỗ khi những dòng chữ còn đang chạy. Bạn có thể bỏ qua đoạn After Credit thứ hai nhưng đừng bỏ qua đoạn đầu tiên)



Nếu bạn chưa kịp coi những phần trước của loạt phim siêu anh hùng Marvel như Ant-Man, Avenger 2,... bạn vẫn có thể hiểu được nội dung phim nhưng cảm giác thú vị sẽ không còn trọn vẹn. Và một lần nữa, dàn nhân vật phụ lại trở thành điểm sáng giữa những cảm xúc nặng nề mà những vấn đề trọng tâm trong phim đem đến cho khán giả. Vấn đề này đã được cả DC và Marvel đưa lên màn ảnh nhỏ trong một thời gian ngắn ngủi. Cá nhân tôi, trước khi xem phim, tôi đánh giá cao và mong đợi ở Batman VS Superman hơn nhưng cuối cùng Civil War mới là bộ phim giải quyết vấn đề một các trọn vẹn và thỏa đáng hơn hết.

Nhìn qua một lượt, cùng một vấn đề "Siêu anh hùng cứu thế giới nhưng những nạn nhân vô tình vướng vào những trận chiến của họ thì sao?", cách triển khai vấn đề của "Batman VS Superman" tốt hơn nhưng sự đấu tranh tâm lý và lựa chọn của các siêu anh hùng Marvel lại khiến tôi thỏa mãn hơn. Rõ ràng, tình huống hai bên là khác nhau nhưng tôi nghĩ "Batman VS Superman" vẫn còn thiếu một miếng ghép quan trọng để giúp bộ phim trọn vẹn. Có lẽ tôi sẽ quay lại với vũ trụ của DC sau, hiện tại tôi vẫn còn đang ở vũ trụ của Marvel.

Lần này, tôi phải dành kha khá lời khen ngợi cho "Civil War", đây là một bộ phim siêu anh hùng Marvel (ngoại trừ loạt phim Xmen) đáng xem nhất và có lẽ là thành công nhất trên mọi phương diện của họ, theo ý kiến của cá nhân tôi. Họ có một dàn diễn viên rất ổn, từ chính đển phụ, từ chính diện đến phản diện. Họ có một kịch bản chắc chắn từ đầu đến cuối, không thừa không thiếu, xây dựng tâm lý nhân vật một các logic với tính cách từng người. Và cuối cùng, họ có một chiến lược quảng bá xuất sắc với khẩu hiệu "Bạn là #team_Cap hay #team_Iron?". Fan hâm mộ chia phe, những khán giả mong chờ phim cũng chia phe, người qua đường ham vui cũng chọn lấy một phe trước khi bộ phim công chiếu. Đến khi từ rạp trở về, họ trở thành đội ngũ tuyên truyền hiệu quả bậc nhất của phim với những trận khẩu chiến bênh vực cho phe phái của mình. Đội ngũ marketing của "Civil War" chẳng cần phải làm gì hết, họ chỉ việc đăng một vài clip, một vài bức ảnh để kích thích trí tò mò của mọi người, đội quân bàn phím của hai bên sẽ làm nốt phần còn lại để hâm nóng tên tuổi bộ phim. 

Với một số người, "Civil War" có thể quả đơn giản và trẻ con (như mọi bộ phim Marvel về đội Avengers) nhưng đối với tôi, đây là bộ phim về siêu anh hùng có diễn biến tâm lý tốt nhất và hợp lý nhất cho một vấn đề nan giải như thế này. Vấn đề được đưa ra một cách rất giản dị, đời thường: làm nhiệm vụ, gây ra thiệt hại, giọt nước tràn ly,... dẫn chúng ta tiếp cận đến những cảm xúc và suy nghĩ của các siêu anh hùng một cách dễ dàng hơn, gần gũi hơn. Họ đối mặt với những vấn đề mà thường ngày chúng ta vẫn gặp phải, họ lựa chọn theo tính cách và bản thân sau một loạt cuộc đấu tranh nội tâm. Lần này những siêu anh hùng không phải chiến đấu với quái vật hay người ngoài hành tinh, họ đấu tranh với bản thân, với những người đồng đội đã luôn kề vai sát cánh cùng mình. Ở những tập phim trước, mọi hành động của họ đều đúng, đều vì công lý, vì sự tồn tại của thế giới loài người nhưng lần này, không một ai đúng hoàn toàn cũng không một ai sai tất cả. Chỉ là quan điểm khác nhau, hoàn cảnh khác nhau... họ sẽ lựa chọn khác nhau và chỉ cần kiên trì với sự lựa chọn đó, rồi một lúc nào đó mọi sự sẽ trở nên đúng đắn. 

Có hai phe "bự" là #team_Cap và #team_Iron đồng thời có một thế lực mới, đại diện cho một cách suy nghĩ có phần duy tâm, có phần xa rời thực tế hơn nhưng lại ngầu độ hơn là #team_Blackpanther *cười*.

Black Panther là một anh hùng có nhân sinh quan vững vàng bởi vì anh ấy sinh ra lớn lên trong hoàng gia, hành động đơn độc cho đến tận phần phim này đồng thời anh ấy có đức tin đến từ tín ngưỡng của dân tộc mình. Đó là những điều kiện cần để chúng ta được thấy một Black Panther mạnh mẽ như vậy, biết tiến biết lùi như vậy. Lựa chọn của anh ấy không liên quan đến Iron Man, họ đứng cùng một phe vốn chỉ vì vô tình. Black Panther có được những suy nghĩ và hành động khách quan hơn Captain và Iron Man bởi lẽ anh ấy là người ngoài, anh ấy không bị dằn xé bởi câu hỏi đồng đội hay bản thân, thái độ hay hành động, anh ấy có mối thù riêng dẫn dắt bản thân. Chỉ là con đường anh ấy đi không dẫn đến cái đích mà anh ấy mong đợi. Bởi lẽ, con người vốn là một sinh vật chẳng thể đoán được, nhất là khi họ đã đau thương quá nhiều.

Về Iron Man, Tony Stank... à không, xin lỗi, cái lão Stan Lee ấy thật là... là Tony Stark mới đúng. Trong cái nhìn của tôi, Tony đại diện cho kiểu người có cái tôi cá nhân khá lớn, có chút ngạo mạn nhưng lại quan tâm đến đồng đội. Tony có lẽ không phải là mẫu anh hùng lý tưởng trong mắt tôi nhưng khá phù hợp với tư tưởng tiến bộ của một số bạn trẻ đề cao sự cá tính, độc lập và mạnh mẽ của anh ấy. Nhưng tôi không ghét anh ấy. Tony là một nhân vật thú vị, một cá tính mà đáng lẽ DC nên có, nên xây dựng bởi lẽ, anh ấy, dù có ích kỷ, có vô tâm vô phế nhưng vẫn đặt lợi ích của đồng đội lên trên, vẫn mong muốn làm tốt nhất cho đôi bên. 

Trong "Civil War" tôi thấy Tony đồng ý kí kết hiệp định đầu tiên là để xoa dịu những nỗi đau trong lòng mình, để trốn tránh cảm giác tội lỗi không thể bù đắp được. Hơn nữa, anh ấy nhận ra hiệp định này có thể tốt cho đồng đội mình. Chỉ cần theo Hội đồng, cho dù họ có vô tình làm gì sai thì cũng sẽ không cần gánh hết trách nhiệm, có thể phủi hết trách nhiệm, có thể vui vẻ đi cứu thế giới mà không cần băn khoăn hay suy nghĩ nhiều. Tony đồng ý kí hiệp định bởi vì bản thân anh ấy và bởi vì đồng đội. Điều làm tôi phản cảm nhất với Tony trong tất cả những mớ bòng bong này không phải vì anh ấy kí hiệp định, không phải vì anh ấy không tin Bucky mà là cách anh ấy giam giữ Wanda. 

Chết tiệt, Tony! Steve đã gần như tin anh và chấp nhập kí vào hiệp định nếu anh không giam giữ Wanda. Hành động này của Tony là vì nghĩ rằng điều đó tốt cho cô bé nhưng anh ấy quên mất, không phải ai cũng có thể mạnh mẽ và kiêu ngạo như anh để vượt qua những cảm xúc phức tạp khi đứng giữ sự lựa chọn sự sợ hãi hay sự công nhận. Anh, với sự kiêu ngạo của mình có thể vượt điều đó nhưng Wanda chỉ là một cô bé. Anh khiến cho Vision, một trí tuệ siêu việt thốt ra cái câu đáng ghê tởm kia. Thật may, Steve đã kịp nhồi vào đầu Wanda một lời khuyên đúng đắn với hoàn cảnh và tính cách của cô bé. Thêm nữa, tôi thấy Tony không tin tưởng đồng đội của mình và sợ hãi mọi việc nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Tony lo lắng cho họ (cho cả bản thân anh) nên mong muốn mọi người cùng đi trên một con đường dễ dàng hơn, không cần đắn đo lựa chọn, không cần gánh trách nhiệm,... Anh nghĩ điều đó là tốt. Anh ấy mong muốn vạch ra một con đường an toàn cho mình, cho đồng đội. Tony không tin vào sự lựa chọn của bản thân cũng như của đồng đội. 

Khi đang phân vân, đau đớn và lo lắng người ta thường thỏa hiệp với những điều dễ dàng hơn để có thể mau chóng giải tỏa áp lực cho bản thân. Tony đã làm điều đó. Có thể anh ấy sẽ không làm nếu điều đó không tốt cho Avengers nhưng cuối cùng anh ấy đã làm. Suy cho cùng, anh ấy đã bị cảm xúc cuốn đi và có phần vội vã. 


Tôi đã viết một đoạn dài mà vẫn chưa nhắc đến Captain American - Steve Rogers, nhân vật chính của phim. Tôi nhớ cảm giác của mình khi xem Winter Soldier. Lúc đó tôi không hiểu và có phần mệt mỏi khi chứng kiến sự cố chấp của Steve với Bucky, người bạn cũ đã không còn là bạn nữa. Nhưng khi đến phần phim này, lúc Bucky nói "Tôi sẽ không giết ai nữa" rồi làm đúng như thế và sau đó lại hỏi "Tôi không biết mình có xứng đáng với tất cả những việc này không?" thì tôi nhận ra, Steve đã lựa chọn đúng. Bucky xứng đáng với tất cả. Và tôi nhận ra, Steve Rogers mãi mãi là Captain American, người đội trưởng lý tưởng của tôi, người vẫn luôn mạnh mẽ và kiên cường như thế. 

Lời thoại ấn tượng nhất của Steve trong tập phim này chính là lời khuyên của anh dành cho Wanda, nếu đã gây ra lỗi lầm thì nên đứng lên để sửa sai chứ không phải ngồi một chỗ ăn năn hối hận. Và thêm đó, anh chấp nhận sự lựa chọn của đồng đội mình, cho dù sự lựa chọn đó có dẫn đến kết quả như thế nào Steve sẵn sàng cùng họ gánh vác tất cả. Nhìn qua thì cách làm của Steve có phần vô trách nhiệm và không lý trí nhưng anh ấy có cái nhìn toàn cục hơn Tony khi không bị cảm xúc dẫn dắt. Có một đoạn phim Black Panther đã nói rằng anh ấy không đồng ý với ý nghĩa chính trị của cái hiệp định này. Rõ ràng, một tổ chức, dù được thành lập như thế nào với mục đích gì thì cuối cùng cũng sẽ bị cuốn vào vòng xoáy chính trị. Steve là đội trưởng của người Mỹ chứ không phải tay sai của chính phủ. Kết cục thế nào, khi hội nghị còn chưa xong thì người ta đã đổ vấy cho Bucky thêm một tội đánh bom khủng bố. Không cần điều tra, không cần suy nghĩ, cứ đem Winter Soldier ra trảm trước, đúng thì tốt mà sai thì coi như xử vì những tội trước đó. Một tổ chức như thế, liệu có đáng tin cậy? 

Tôi có thể ngồi cả đêm để liệt kê ra những điều tôi thích ở Steve Rogers với tư cách một người đàn ông và với tư cách là Captain American nhưng tôi sẽ giữ lại những lời đó ở trong lòng. Suốt ba phần phim về anh, đã có lúc tôi thất vọng và mệt mỏi nhưng sau cùng, Steve đã chứng minh rằng anh đúng. Anh đã đúng khi kiên trì nhập ngũ, anh đã đúng khi vững vàng niềm tin dành cho Bucky, anh đã đúng khi trao cho Wanda cơ hội mà người khác không thể,... sự kiên cường và niềm tin mãnh liệt của Steve đã lay động được Nat. Cho dù cô ấy đã lựa chọn đứng về phía Tony nhưng Nat mãi mãi vẫn ủng hộ Stevebowir vì cô ấy biết điều mà Steve theo đuổi, chưa bao giờ là vị kỉ cá nhân. Hơn bao giờ hết, tôi muốn trao giải "Người bạn của năm" cho Black Widow.

Có đôi khi Steve sai lầm và anh sẵn sàng đối mặt với sai lầm đó. Anh ấy nghĩ rằng giấu giếm Tony là tốt cho mọi người cũng như Tony nghĩ giam giữ Wanda là tốt cho tất cả. Họ đã sai lầm khi cố gắng làm điều mà họ cho rằng là tốt cho đối phương nhưng cuối cùng, những gì nhận được chỉ là sự tổn thương lẫn nhau. Nhưng bản thân tôi cảm thấy Steve có lý khi giấu giếm chuyện đó bởi anh biết, nếu nói với Tony thì mãi mãi hai người bạn của anh sẽ không đứng trên cùng một chiến tuyến được. Và Steve đã đem tình bạn của mình với Tony ra để đánh cược. Cũng có thể, anh tin tưởng vào Tony nhiều hơn mọi người vẫn nghĩ, anh tin tưởng, sau tất cả,... họ vẫn có thể trở về với nhau, cùng chiến đấu, cùng đấu tranh. 

Ở trận chiến cuối cùng, cả ba người đều phải chiến đấu với chính nỗi đau trong lòng mà bởi vậy, dù kết cục có như thế nào thì họ sẽ vẫn bị tổn thương. 

Cuối cùng, Captain American 3: Civil War là một bộ phim rất đáng xem. Một bữa tiệc có đầy đủ những cung bậc cảm xúc và chắc chắn, khi rời rạp, bạn còn phải suy nghĩ nhiều về nó. Một bộ phim có thể gây ra nhiều tranh cãi như thế này tức là nó đã thành công trong việc xây dựng những tuyến nhân vật khác nhau. Civil War không chỉ làm được việc đó mà họ còn làm được nhiều hơn thế khi chúng ta nhận ra, cho dù giữa khói lửa chiến tranh và ngổn ngang xung đột thì tình bạn, tình đồng đội vẫn luôn luôn được đặt lên trên hết.







You Might Also Like

0 nhận xét

Popular Posts